Friday, May 8, 2009

Mặt Trái Của Nghề Làm Nails ở Mỹ


Nghề nail - Tiền và nhân cách


Những người làm nghề nails, họ có quan tâm, có muốn, có cần hay có làm người khác tôn trọng mình?


Qua ý kiến của một vài độc giả về nghề nail, tôi thấy cần nói thêm về vấn đề này.



Xin bắt đầu từ lời nhận định của giáo sư xã hội học T.Trần mà tôi đã ghi lại trong cuộc trò chuyện với ông tại một giảng đường đại học ở Virginia về chủ đề người Việt làm nails.

“Nếu người Việt phục vụ người Việt thì dù đó có là một công việc cực nhọc nhất, độc hại nhất, bẩn thỉu nhất,… như nghề "chui móc cống", “lượm rác, móc bọc”… ở Việt Nam chẳng hạn, thì chẳng ai cho rằng đó là nghề đáng phải mặc cảm và tất nhiên chẳng ai chê bai, lên án cả; nhưng nếu cũng công việc ấy, hoặc những công việc "đỡ" hơn, mà người Việt phải làm để "phục vụ" cho những dân tộc khác thì dân mình thường có vẻ "nóng ruột"...!

Nhưng hãy thử nhìn một ví dụ điển hình này. Chắc hẳn mọi người đều biết rõ, hàng ngày vẫn có những nhân viên người Mỹ đến nhà của mọi người dân để dọn rác, bất kể người dân ấy mang chủng tộc hay màu da gì… Nếu đã không có khả năng học cao thì dù là người Mỹ da trắng họ vẫn phải làm công việc hốt rác như những người ít học khác. Tôi thấy đó là chuyện bình thường và bản thân họ - những công nhân ngành vệ sinh ở Mỹ không hề xem đó "vấn đề" - cả khi họ hốt rác của những gia đình người Việt. Dân chúng Mỹ có chê cười những nhân viên hốt rác da trắng này khi thấy họ phải hốt rác cho những người dân da vàng ở nhờ xứ họ? Chắc là không. Như vậy, tại sao lại cho rằng người Việt làm nail là công việc "tồi tệ"?



Thợ làm nails phần đông là những người khi còn ở Việt Nam không có khả năng và điều kiện học nhiều, nên khi sang Mỹ, chỉ mỗi việc học tiếng Anh để "không nói tiếng bồi"


Theo tôi, tất cả mọi ngành nghề đều có giá trị riêng của nó và người làm việc có niềm tự hào của riêng họ. Thế giới văn minh hiện đại, con người tự do bình đẳng, nếu chúng ta chịu khó học tập để nâng cao trình độ hiểu biết thì đó luôn là một điều đáng được động viên, cổ vũ, nhưng nếu một khi đã không có khả năng và người làm việc đã chấp nhận làm công việc của họ thì chúng ta chỉ nên tôn trọng chọn lựa nghề nghiệp của họ mà thôi...”.



Tôi đồng ý với lời giáo sư T.Trần đã nói, chúng ta chỉ nên tôn trọng chọn lựa nghề nghiệp của mỗi người chứ không thể lên án chỉ trích… Nhưng, câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra: Những người làm nghề nails, họ có quan tâm, có muốn, có cần hay có làm người khác tôn trọng mình?



Qua những cuộc thăm dò thì kết quả cho thấy: thợ làm nails phần đông là những người khi còn ở Việt Nam không có khả năng và điều kiện học nhiều, nên khi sang Mỹ, chỉ mỗi việc học tiếng Anh để "không nói tiếng bồi" cũng đã là một việc rất khó đối với họ, và nếu phải vào đại học để được trở thành "những người trí thức" thì họ càng không thể thực hiện được. Tuy nhiên như ông bà ta đã nói "Có chí thì nên”, “Có công mài sắt có ngày nên kim", nhưng làm sao một bộ phận giới trẻ người Việt Nam ít học mới sang Mỹ có thể cắp sách đến trường, nếu gia đình và môi trường xung quanh… không tạo điều kiện để con em họ được trở thành những người trí thức (?!).

Trên hầu hết báo chí Việt ở khắp nơi, nếu báo dầy 10 trang thì đã 8 trang in quảng cáo và sẽ hơn 50% phần quảng cáo là những ô "Cần gấp thợ nails" được in khít bên nhau. Làm nails đã trở thành một phong trào; người qua sau cứ bắt chước những người đến trước; còn người cũ thì rủ rê, lôi kéo những người vừa mới sang: "Thôi đi làm nails đi, dễ làm mà lại có tiền lắm, đi học làm chi vừa lâu vừa cực!".

Thu nhập của người thợ nail mới vào nghề có thể ở mức từ 400 đến 700 đô mỗi tuần. Thợ lâu năm, có kinh nghiệm, giỏi, siêng – làm việc liên tục 7 ngày trong tuần – và nếu tiệm nails nằm trong khu thương mại lớn với số lượng khách vào làm nails cao và đều đặn thì lương tuần sẽ lên từ 1.000 đến 1.500 đôla, hoặc có thể hơn. Nếu khi còn ở Việt Nam, các thanh niên nam nữ này không làm ra tiền hoặc có đi làm và lương hàng tháng chỉ trong khoảng 1 đến 2 triệu đồng (trên dưới 100 đô Mỹ) thì bây giờ chỉ cần vừa thực tập làm nails và cố học thuộc các câu hỏi để thi lấy được bằng nails, để rồi sau một thời gian thật ngắn mỗi tuần sẽ bỏ túi được ít nhất là 400 đô và với ngày tháng số tiền ấy cứ dần tăng. Khi thói quen làm ra tiền nhanh và dễ được hình thành trong họ rồi thì bạn trẻ nào sẽ còn chịu khó học chữ (?!). Vì cứ "mê" sẽ mau mua được xe, mua được nhà,… mà họ đã quên đi những thiệt hại nặng nề cho sức khỏe khi hành nghề dài lâu, cũng như cái cảm giác khi hàng ngày cứ phải ngồi "ôm, rửa, kỳ cọ... chân" người khác…



Không phải ai làm nails cũng đều đáng chê bởi có nhiều người dù ít học, họ vẫn giữ được những phẩm chất và giá trị con người



Cô Hai ở New York - qua Mỹ được 6 năm và hành nghề nails cũng được gần 6 năm, đã tỏ bày:

- Hồi còn ở Saigon cô là giáo viên dạy văn cấp 3, ngoài cô ra ở tiệm này còn có một thầy dạy toán và một cô dạy văn khác. Đây là một trường hợp "lạ" khi trong một tiệm nails có được tới 3 người có thể gọi là "có trình độ"… bởi phần đông thợ nails trẻ của các tiệm khi còn ở quê nhà họ chỉ học hết cấp 2, nhiều lắm là cấp 3. Ban đầu khi mấy cô chú trẻ ở tiệm này chưa biết có "thầy cô" trong tiệm, chúng ăn nói xấc xược tục tĩu lắm mà không hề biết ngượng; nhưng sau khi biết là mọi lời nói và tác phong của chúng đều được cô và những người khác để ý đánh giá thì chúng đã cẩn thận hơn, biết giữ mồm giữ miệng hơn. Đâu phải vì làm nails mà bị khinh miệt; có bị hay không là tùy vào mình. Làm bác sĩ, kỹ sư… mà thiếu nhân cách thì cũng có ai tôn trọng đâu. Không phải tự nhiên mà bị người chê khinh và cũng chẳng phải tự nhiên mà được người tôn trọng!

Những người trí thức nhưng phải đi làm nails như cô Hai là những con số hiếm hoi trong giới làm nails. Họ có những hoàn cảnh và nguyên do riêng khiến phải bước vào cái nghề thuộc giới "low class" (vô học, hạ cấp – danh từ mà một số người dùng để "lên án" khi những người làm nails có những hành vi "hết thuốc chữa").

Cô Hai còn 2 người con ở Việt Nam. Nếu muốn có đủ điều kiện bảo lãnh các con sang với cô thì ngoài việc có được quốc tịch Mỹ, cô còn phải có một số tiền dư để dành trong ngân hàng; thu nhập trong ba năm liền phải đạt mức tối thiểu của quy định… Vì muốn các con mau sang Mỹ với cô để được vào những trường đại học lớn, cô Hai đã phải chọn làm cái nghề "thấp kém" nhưng "mau hái ra tiền" ấy... Cũng tương tự, Bác Lý ở Maryland, có con gái đang theo học đại học nhưng cuối tuần làm nails để dành tiền đóng tiền học. Bác dặn dò con: "Đừng bao giờ để người ta phải nhìn và hỏi con: “Có phải cô làm Nails không? Nhục lắm con ạ! Con chỉ nên dùng cái nghề nails làm phương tiện giúp con tiến lên, chứ đừng để nó cuốn con vào cái vòng xoáy ham tiền…".

Bác Tài, 74 tuổi, có vẻ rất gay gắt khi nói về giới trẻ làm nails:

- Biết là không phải ai làm nails cũng đều đáng chê bởi có nhiều người dù ít học, họ vẫn giữ được những phẩm chất và giá trị con người của họ và họ đã làm được những việc lớn, có ích, từ đồng tiền kiếm được; những người ấy rất đáng được trân trọng. Nhưng số đông còn lại, nhất là những đứa choi choi, chúng thật phách lối, khoe khoang, đua đòi, xem tiền như rác, nhìn trời bằng nửa con mắt… chúng đã làm mất thể diện chung của giới làm nails. Cứ thử tưởng tượng, hôm nay chạy xe Mercedes, ngày mai thấy bạn đi xe mới thì mình cũng phải mua BMW hay Lexus đời mới nhất; hết tóc xanh rồi sang tóc đỏ; áo quần đồ dùng phải là hàng hiệu và loại mắt tiền nhất để có được cái cảm giác "hơn người"; con gái nhưng miệng cũng phì phèo thuốc lá, càng tệ hơn khi câu nào nói ra cũng có đệm những từ ngữ thô tục; đã có lần chúng buông lời hỗn xược với một người đã có tuổi như tôi… Khi vô tình đi ngang qua một đám thanh niên trai gái "như vậy", ai cũng thầm nói "Đó là dân nails!" để rồi tiếp theo là một câu hỏi "Chúng có còn là người Việt Nam?". Vâng, chính vì những hình ảnh như vậy mà dù có muốn không có "thành kiến", không có "ác cảm" hay không "đánh giá thấp" những người làm nails cũng khó…



Dường như nhà nào bây giờ cũng có ít nhất là một người làm nails, thậm chí có nhiều người bên Việt Nam chỉ muốn tìm mọi cách sang được Mỹ để đi làm nails "hốt tiền".
Anh D., kỷ sư điện ở Texas tâm sự:
- Vợ tui ngày xưa là một thôn nữ rất hiền diệu nết na. Khi tui về Cần Thơ cưới cổ mang qua đây, thời gian đầu chung sống với nhau tụi tui rất hạnh phúc; nhưng sau đó khi cổ đi làm nails và giao lưu với chúng bạn cùng nghề, con người cổ đã hoàn toàn thay đổi. Cổ chỉ còn nghĩ tới chuyện tiền. Cổ luôn miệng chê bai và tỏ vẻ khinh khi vì sau này tui làm ra ít tiền hơn cổ. Có một lần cổ nặng lời với tui: "Ông chỉ là một thằng nhà quê lỗi thời, không biết ăn diện, không biết mua sắm, không biết xài sang, không biết chịu chơi, suốt ngày đi làm về chỉ biết ôm con rồi cái nhà…". Tui nhìn cổ mà đau sót lòng. Từ ngày đó tui đã biết cổ không còn là vợ của tui nữa và thiệt đúng vậy, chỉ một thời gian ngắn sau đó cổ đã đòi ly dị và đi ở với một anh chàng làm nails cùng tiệm. Ngày xưa cổ là một thôn nữ còn tui thì "Việt kiều có giá", ngày nay cổ là một cô gái "tân thời" còn tui thì chỉ là một "thằng nhà quê". Tiền làm cho con người ta "mờ" hết cả mắt và có thể thay đổi từ trắng sang đen.

Cô Q. hiện ở Springfield - trước khi sang Mỹ định cư, cô là giáo viên chuyên văn cấp 3, chú là hiệu trưởng trường, gia đình cô ở Đà Lạt. Cô chú có 3 người con, hiện cả 3 đang học đại học. Thời gian đầu khi mới sang Mỹ, vì người em chồng có tiệm Nails, cô và hai người con gái đã phải ra đấy tập "làm nghề"… nhưng sau một thời gian ngắn cô Q. đã ngưng vì không chịu đựng được "môi trường" cũng như cái mùi khó ngửi của chất nước pha bột, nhưng lý do chính có lẽ là vì cô không thể hạ thấp mình xuống ngồi dưới chân người khác để "được trả tiền". Sau đó hai người con gái của cô cũng đã ngưng không làm nails nữa mà chuyển sang làm phục vụ nhà hàng sau những giờ học ở trường. Cô Q. hiện làm việc cho một supermarket, khu bán thức ăn nấu sẵn. Chú thì nhân viên bưu điện. Thu nhập của cô và của hai con gái có ít hơn so với khi còn làm nails nhưng cô vui lòng như vậy: "Không có 'nguy hiểm' nào đe dọa". Cô Q. nói:



"Thôi đi làm nails đi, dễ làm mà lại có tiền lắm, đi học làm chi vừa lâu vừa cực!".



- Phải chi trong gia đình người Việt nào cũng có được một bác sĩ thì hay hơn, nhưng đáng tiếc là dường như nhà nào bây giờ cũng có ít nhất là một người làm nails, thậm chí có nhiều người bên Việt Nam chỉ muốn tìm mọi cách sang được Mỹ để đi làm nails "hốt tiền". Muốn làm nghề gì cũng được, nhưng thỉnh thoảng cần phải ngừng lại để "nhìn" và "suy nghĩ". Đừng để những dân tộc khác tạo ra trong mắt họ một hình ảnh về con người Việt Nam: "Đa số là thợ nails," như đối với người Mễ mà mọi người đã có một hình ảnh về họ: "Đa số làm nghề lau chùi quét dọn các nhà vệ sinh hay phố, chợ...". Khi đối diện một người Nhật, có phải không cần biết người đó mang chức vị hay có ngành nghề gì, tự động trong thâm tâm mình có ngay một sự kính nễ người ấy vì ai cũng biết nước Nhật là một đất nước văn minh, hiện đại, trình độ dân trí rất cao!!



Sự việc, vấn đề nào bao giờ cũng có những cái hay, cái dỡ, mặt phải, mặt trái của nó. Khi phải phơi bày một sự thật không mấy tốt đẹp,… nhân chứng nào cũng đắn đo, suy nghĩ không biết những gì họ nói lên có sẽ được cảm thông, chia sẻ, ủng hộ, hưởng ứng,… nhưng nếu đã là sự thật và nó mang tính quan trọng cho dân, cho nước thì nếu vì e ngại mà "nhắm mắt làm ngơ", "xua tay im lặng" không làm gì thì tai hại sẽ ngày càng sâu nặng hơn (?!).

Tuy nhiên, qua những gì tôi đã ghi nhận lại được sau rất nhiều những cuộc trò chuyện, thăm dò... tôi nhận thấy những lời nói với chút vẻ trách cứ ấy có tính nhắc nhỡ và khuyên răn nhằm giúp chúng ta duy trì và phát huy những bản sắc cao đẹp của con người Việt Nam hơn là có ý chê bai, lên án. "Giàu thì ai cũng muốn, nhưng đừng vì quá "mê" tiền mà đánh mất nhân cách, khi ấy con người sẽ không còn một giá trị nào dù có là một tỷ phú".

Saturday, May 2, 2009

Những thói quen tưởng đâu vô hại

Áo quần không thoải mái là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi chúng ta học tập và làm việc.

Nếu cả ngày bạn phải ngồi trước bàn học với quần skinny jeans, áo thun ôm thì hậu quả là sự tuần hoàn trong cơ thể sẽ chậm lại, lượng oxy truyền tới các tế bào của cơ thể giảm, vai, cổ và lưng bị đau buốt. Vì thế trang phục ôm chỉ dành cho buổi la cà với bạn bè thôi nhé.

Bàn học bừa bộn

Đừng tưởng cái bàn học ngổn ngang chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới, có khi nó chính là nguyên nhân sâu xa của mớ đèn pin trên mặt, chứng mất ngủ và tình trạng uể ỏai của bạn đó!

Theo các chuyên gia tâm thần của trường đại học Braun thì một trong những nguyên nhân gây mệt mỏi là do môi trường làm việc ảnh hưởng đến tinh thần của bạn.

Bàn làm việc bừa bộn vật dụng cần thiết để lung tung khiến bạn chóng mặt, nhức đầu, không muốn tiếp tục công việc dẫn đến hiệu quả công việc bị giảm sút. Cứ mỗi lần cần cái gì lại phải bới tung lên khiến bạn bị stress nặng nề, có thể dẫn đến mất ngủ, da xấu đi.

Đôi khi chúng ta không ngờ được tính bừa bãi của mình lại ảnh hưởng đến “nhan sắc” đến như vậy.

Ngủ quá nhiều vào chủ nhật

Ngủ bù cuối tuần là chiêu quá quen thuộc với teen nhà ta rồi. Bình thường ngủ được là tốt, nhưng nếu bạn ngủ nhiều quá vào dịp cuối tuần thì nó lại là một nguyên nhân khiến bạn mệt mỏi vào ngày đầu tuần.

Theo giải thích của tiến sĩ Emi Ulson, tác giả cuốn Woman’s book of sleep thì cứ ngủ dồn dập cả ngày thì bạn còn mệt hơn là lái xe nữa. Do vậy mà một ngày cuối tuần bình thường chỉ nên “nướng” thêm 1 tiếng đồng hồ mà thôi.

Lịch làm việc buồn chán, tẻ nhạt

Đôi khi sự uể oải, buồn chán, u uất của bạn chính là do thủ phạm thời khóa biểu gây ra. Bất cứ ai cũng dễ mất tinh thần khi cuộc sống mỗi ngày chư một hành lang định sẵn với các việc y như nhau.

Biến đổi một chút không khó đâu: Thử thay đổi con đường mà mình hay đi về nhà hay đến trường chẳng hạn. Bạn cũng có thể xáo trộn thứ tự công việc trong thời khóa biểu của bạn, gạch bỏ bớt những công việc chán nhất và thêm vào những thứ mới mẻ như lập một danh mục địa chỉ web yêu thích, lê la các blog fashion hay tạo thư viện ảnh cho mình…

Thói quen uống cà phê

Đi bộ với cốc cà phê to oạch khiến bạn thấy mình giống Miley Cyrus và hậu quả là tối nào cũng chống mắt thao láo.

Cafein tồn tại trong cơ thể lâu nhất là 8 giờ đồng hồ. Nếu uống café vào buổi chiều thì bạn sẽ không ngủ ngon được và dĩ nhiên năng lượng cần thiết cho ngày hôm sau sẽ bị giảm sút. Vì vậy nếu vẫn nhất quyết kết thân với cốc cà phê thì nhớ né giờ ngủ trước 8 tiếng nhé!